[HỢP TÁC HÀN - VIỆT] CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ LÀ TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CỦA VIỆT NAM

Dự và phát biểu tại lễ khai mạc Chương trình hợp tác đào tạo tư vấn viên Việt Nam giữa Bộ Công Thương và Samsung sáng 17/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Chính phủ đã xác định công nghiệp hỗ trợ là trọng tâm trong phát triển công nghiệp của Việt Nam thời […]Dự và phát biểu tại lễ khai mạc Chương trình hợp tác đào tạo tư vấn viên Việt Nam giữa Bộ Công Thương và Samsung sáng 17/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Chính phủ đã xác định công nghiệp hỗ trợ là trọng tâm trong phát triển công nghiệp của Việt Nam thời […]


Dự và phát biểu tại lễ khai mạc Chương trình hợp tác đào tạo tư vấn viên Việt Nam giữa Bộ Công Thương và Samsung sáng 17/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Chính phủ đã xác định công nghiệp hỗ trợ là trọng tâm trong phát triển công nghiệp của Việt Nam thời gian tới, trong đó đặc biệt là các ngành điện tử, dệt may, da giầy, thời trang, ô tô,…

Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, lãnh đạo Bộ Công Thương, tổ hợp Samsung tại Việt Nam và 25 chuyên gia tư vấn đầu tiên của Việt Nam tham dự khoá học.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ

Công nghiệp hỗ trợ là trọng tâm phát triển công nghiệp
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao Samsung với quy mô đầu tư lớn, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đồng thời tạo ra những sản phẩm mang tính toàn cầu, góp phần quan trọng trong việc tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu, bảo đảm cán cân thương mại của Việt Nam và Hàn Quốc.
Phó Thủ tướng khẳng định, công nghiệp hỗ trợ hiện là một trong những lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm, chú trọng phát triển. “Chính phủ đã xác định công nghiệp hỗ trợ là trọng tâm trong phát triển công nghiệp của Việt Nam thời gian tới, trong đó đặc biệt là các ngành điện tử, dệt may, da giầy, thời trang, ô tô,…”, Phó Thủ tướng nói.
Mục tiêu của chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ là sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa, đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa.
Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ tập trung kết nối, hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.
“Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở coi trọng thị trường trong nước nhưng phải hướng đến thị trường toàn cầu làm mục tiêu phát triển; coi DN giữ vai trò chủ thể, quyết định sự thành công”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực này đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện, các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và chính sách ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ cũng đang được triển khai thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến 2025; Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 3/4/2017 ban hành Quy chế quản lý và thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cùng nhiều văn bản khác.


Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung, trong đó có công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện, điện tử vẫn còn phát triển khá hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Năng lực cạnh tranh hiện nay của các DN cung ứng linh phụ kiện, phụ tùng của Việt Nam vẫn còn yếu. Số lượng DN đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng và tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia (như của Samsung) còn hạn chế”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận xét. Cùng với đó, sự liên kết giữa các DN còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, vừa phân tán nguồn lực, vừa không hiệu quả.
Chính phủ cũng đang tiếp tục yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì rà soát một cách kỹ lưỡng, tổng thể những cơ chế, chính sách hiện có, đề xuất các cơ chế mới để có sự hỗ trợ phù hợp, hiệu quả nhất cho DN.
“Trong hỗ trợ DN, Chính phủ chủ trương nghiên cứu cơ chế lựa chọn ưu tiên để hỗ trợ các DN có tiềm lực, có khả năng đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, từ đó tạo ra những hạt nhân trong từng ngành công nghiệp hỗ trợ ‘kéo’ theo các DN khác trong ngành”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm lựa chọn DN để ưu tiên phát triển.
“Việc tôi thay mặt Thủ tướng dự sự kiện này là khẳng định thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, nâng cao năng lực của DN trong nước”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt
Theo Phó Thủ tướng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, tạo điều kiện cho các DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt của các tập đoàn đa quốc gia lớn, việc đào tạo, nâng cao chất lượng của đội ngũ chuyên gia tư vấn tại Việt Nam là một trong những yếu tố then chốt và quan trọng.
“Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi đánh giá cao việc Bộ Công Thương và Tổ hợp Samsung Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In vừa qua”, Phó Thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương và Samsung tổ chức chương trình đào tạo này đạt hiệu quả cao nhất. Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để DN triển khai các khóa đào tạo, các hoạt động hỗ trợ DN phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.
Đề nghị Samsung tiếp tục hỗ trợ thiết thực về đào tạo và chuyển giao công nghệ để tạo điều kiện cho các DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam được tham gia vào chuỗi giá trị, trở thành các nhà cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng cho Samsung.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và ông Sim Won Hwam, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam.Phó Thủ tướng cũng mong muốn các học viên – những chuyên gia tư vấn đầu tiên được Samsung trực tiếp đào tạo, sẽ tích cực học tập, nghiên cứu  để có thể triển khai tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ đạt kết quả tốt nhất.
Theo nội dung của biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Samsung được công bố, Samsung sẽ đào tạo 200 chuyên gia tư vấn người Việt Nam có đủ năng lực để có thể hỗ trợ đào tạo, tư vấn cho các DN công nghệ thông tin Việt Nam thực hiện cải tiến sản xuất và chất lượng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cũng như khả năng tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Chương trình đào tạo sẽ được diễn ra tại Việt Nam trong vòng 2 năm (2018, 2019) với 8 khóa học, trong đó mỗi khóa học sẽ đào tạo 25 học viên trong 12 tuần liên tục.
Tại buổi lễ, ông Sim Won Hwam, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam khẳng định, DN hiện đang nỗ lực hết sức để triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN hỗ trợ phát triển.
Đến nay, đã có 29 DN Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 và mục tiêu đặt ra cho năm 2018 là 35 DN và dự kiến đến năm 2019 đạt 42 DN, năm 2020 sẽ là 50 DN.
Trước đây, các DN cung ứng cho Samsung chỉ tập trung chủ yếu vào các ngành nghề đơn giản như đóng gói/ép nhựa, bắt đầu từ năm 2017, phạm vi ngành nghề đã được đa dạng hóa, chuyên môn hóa bao gồm lĩnh vực điện, điện tử, thiết bị… và theo kế hoạch sẽ tăng dần tỉ lệ này.
Samsung Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo công nghiệp hỗ trợ để xây dựng nhóm DN Việt Nam tiềm năng, từ đó hợp tác, hỗ trợ phát triển các DN này trở thành DN vệ tinh; tiến hành tư vấn chỉ đạo kỹ thuật với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam.

← Bài trước Bài sau →